Điểm sáng của thị trường bất động sản Bình Dương

Thị trường bất động sản Bình Dương đang đứng trước cơ hội phát triển mới khi xuất hiện ngày càng nhiều yếu tố thuận lợi từ quy hoạch, xây dựng hạ tầng, công nghiệp cho đến thu hút FDI.

  1. Không gian phát triển thuận lợi

Đường lối phát triển của Bình Dương từ nay đến năm 2030 là dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học – công nghệ và dịch vụ chất lượng cao để gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển cân bằng đa chiều giữa công nghiệp – đô thị – dịch vụ theo hướng giá trị gia tăng cao.

Giai đoạn 2021-2030, Bình Dương đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 10%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 412 triệu đồng (15.700 USD).

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bình Dương phát triển theo mô hình thành phố trực thuộc Trung ương với dân số khoảng 5 triệu người, trở thành cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Quy hoạch này được xem là không gian thuận lợi đưa Bình Dương vào giai đoạn phát triển mới bền vững và chú trọng chất lượng tăng trưởng.

Với quan điểm hạ tầng giao thông đi trước mở đường cho sự đột phá, Bình Dương đã và đang đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông theo hướng hiện đại hóa, liên kết vùng và khu vực.

Cụ thể, để tạo động lực cho sự phát triển liên vùng, Bình Dương đang dồn lực triển khai các dự án như Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; cầu Bạch Đằng 2 nối Bình Dương và Đồng Nai; mở rộng quốc lộ 13; hoàn thiện đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn – Bến Cát – Bàu Bàng; đường sắt TP.HCM – Lộc Ninh và metro Bến Thành – Suối Tiên – Thành phố mới Bình Dương…

Về giao thông đối nội, Bình Dương đang thực hiện hàng loạt dự án như đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng; nâng cấp các tuyến đường ĐT 741, ĐT 746, ĐT 747B, ĐT 743.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương, tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh lên đến 21.817 tỷ đồng. Đây là số vốn đầu tư công được giao cao nhất từ trước đến nay.

Một điểm sáng khác của Bình Dương là thu hút FDI vẫn rất ổn định. Trong 2 tháng đầu năm, Bình Dương thu hút được hơn 340 triệu USD vốn FDI, bằng 441% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến, cả năm 2023 tỉnh sẽ thu hút ít nhất 1,8 tỷ USD vốn FDI.

II.             Dòng chảy vốn vào bất động sản:

Tính lũy kế đến nay Bình Dương đang đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI với 4.092 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 39,73 tỷ USD, chiếm 9% tổng vốn FDI cả nước.

Trong đó, bất động sản là lĩnh vực thu hút FDI nhiều nhất. Đơn cử, hai tháng đầu năm 2023 vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản chiếm đến 89,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, đạt 324,1 triệu USD.

Nhiều tập đoàn quốc tế đã góp mặt tại thị trường bất động sản Bình Dương. Có thể kể đến như Tokyu, GoucoLand, Tập đoàn SP Setia Berhad, AEON… Mới nhất, Tập đoàn CapitaLand Development cũng gia nhập cuộc chơi khi triển khai dự án phát triển thành phố thông minh Bình Dương với vốn đầu tư hơn 500 triệu USD. Các dự án của những tập đoàn này chứng minh tiềm năng bất động sản Bình Dương và hứa hẹn sẽ nâng thị trường lên một tầm cao mới.

Các tên tuổi lớn của Việt Nam cũng không bỏ lỡ cơ hội như Vingroup, Phú Đông, Đất Xanh, Trần Anh, Hưng Thịnh, Phát Đạt, Phú Mỹ Hưng… mang đến sự nhộn nhịp cho thị trường. Các dự án của doanh nghiệp Việt cũng ngày càng có quy mô lớn hơn, đầu tư chỉn chu hơn nhưng mức giá khá cạnh tranh.

Theo định hướng, trung tâm Bình Dương tương lai sẽ bao gồm Thủ Dầu Một, Bến Cát, Tân Uyên với hạt nhân là thành phố mới Bình Dương. Để hiện thực hóa mục tiêu này, giai đoạn 2022-2030 tỉnh sẽ tập trung phát triển 10.000ha công nghiệp tạo thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng.

Điều này có nghĩa là Bình Dương sẽ cần thêm rất nhiều nguồn cung nhà ở kèm theo tiện ích để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đây là nền tảng vững chắc để các nhà đầu tư đặt niềm tin vào cơ hội tăng trưởng của thị trường này.